Giới thiệu

                                                                        

MỘT Ý CHÍ CHỐNG CỘNG                                                        
MỘT LỜI THỀ GIÀNH LẠI QUÊ HƯƠNG

       DTH.JPG                                   

Kính thưa quý đồng hương và chiến hữu.

Blog Buồn Vui Đời Lính là nơi sưu tầm những bài viết cuả  lính và của những người yêu lính về những kỷ niệm , những hồi ức của những tháng năm dài chinh chiến. Ước mong sẽ gợi lại cho quý đồng hương quý chiến hữu những cảm xúc vui buồn của một thời  giầy sô áo trận không thể nào quên

Chúng tôi mong đón nhận được những ý kiến đóng góp xây dựng cũng như bài vở của quý chiến hữu thuộc các Quân Binh Chủng để trang blog ngày một thêm phong phú.

Mọi liên lạc xin  gởi email về địa chỉ kbc3506@yahoo.com

Trân trọng kính chào

BĐQ Đoàn Trọng Hiếu

  Kính mong quý cơ quan truyền thông, quý chiến hữu giúp chúng tôi phổ biến rộng rãi tin tức này. Gia đình nào có thân nhân trong hai danh sách dưới đây xin vui lòng liên lạc với chúng tôi
Đoàn Trọng Hiếu (505) 340-9959.Xin để lại lời nhắn. Cám ơn

                          TIN TỨC CẢI TÁNG 61 TỬ SĨ BĐQ VÀ 43 TỬ SĨ SĐ18BB         
                                                       TẠI AN LỘC BÌNH LONG
                     DANH SÁCH 61 TỬ SĨ BIÊT ĐỘNG QUÂN TẠI AN LỘC BÌNH LONG
Họ và Tên Số Quân Đơn Vị Ngày Tử Trận
1 TS Nguyễn Ph        An              51/107…. ĐĐ4 TĐ52BĐQ 11/5/1972
2 B1 Nguyễn tuấn Anh 71/128548 TĐ31BĐQ 25/05/1972
3 Trần trọng  Nhân 68/104289 BĐQ 15/04/1972
4 B2 Đặng văn An 69/149840 TĐ31BĐQ 13/06/1972
5 B1 Trần văn Ba 71/383565 TĐ36BĐQ 11/6/1972
6 B1 Nguyễn văn Cảnh 74/105691 TĐ31BĐQ 18/06/1972
7 Điểu Cao  TĐ74BĐQ  7/1972
8 TS1 Nguyễn Chuyên 73/217507 ĐĐ1 TĐ36BĐQ 15/04/1972
9 B2 Chu văn Cường 74/114054 TĐ31BĐQ 27/05/1972
10 TH S Lê văn cường 64/125135 ĐĐ4 TĐ52BĐQ 16/05/1972
11 HS Nguyễn văn Đang ĐĐ2 TĐ52BĐQ 11/5/1972
12 TS Nguyễn văn Đông 71/103521 TĐ36BĐQ 7/5/1972
13 B2 Trịnh Dũng 73/108848 BCH TĐ52BĐQ 11/5/1972
14 HS Nguyễn văn Được 69/125616 TĐ36BĐQ 10/5/1972
15 HS Dương xú Há 62/179159 TĐ36BĐQ 11/6/1972
16 HS1 Lê ninh Hải 64/189822 TĐ36BĐQ 3/7/1972
17 HS Đỗ văn hai 72/102446 BCH TĐ52BĐQ 7/6/1972
18 ĐU Lê văn Hiếu 65/145324 ĐĐ1TD52BĐQ 13/05/1972
19 HS1 Nguyễn văn Hoài 66/400108 BCH TĐ52BĐQ 1606/1972
20 B2 Trần Hoài 74/109370 ĐĐ3 TĐ52BĐQ 8/5/1972
21 Nguyễn văn Hưởng 73/123516 ĐĐ2 TĐ52BĐQ 2/5/1972
22 B1 Trần đức Lân 61/578478 TĐ36BĐQ 5/5/1972
23 B2 Nguyễn Bá Long 72/147048 TĐ31BĐQ 11/6/1972
24 B2 Hà văn Lượng TĐ36BĐQ 11/6/1972
25 B2 Hồ văn Mão 69/106734 TĐ36BĐQ 10/5/1972
26 B1 Nguyễn văn Nam 74/112571 ĐĐ2 TĐ52BĐQ 11/7/1972
27 Phan văn Nam 63/122313 TĐ36BĐQ 11/5/1972
28 TR U Tr  Đình Phúc 69/209955 TĐ52BĐQ 19/05/1972
29 HS1                 Phương 74/521330 TĐ52BĐQ 11/5/1972
30 B2 Nguyễn văn Quang 71/126277 TĐ36BĐQ 7/6/1972
31 HS1 Nguyễn văn Sơn 66/151819 TĐ36BĐQ 14/05/1972
32 B1 Nguyễn văn Sơn 66/128548 TĐ36BĐQ 20/05/1972
33 HS Phạm Hắt Sơn 69/124285 ĐĐ2 TD52BĐQ 23/05/1972
34 HS1 Đinh văn Song 70/109172 ĐĐ2 TĐ36BĐQ 15/06/1972
35 B2 Kiều văn Tách 73/111521 TĐ36BĐQ 17/05/1972
36 TH T Nguyễn Minh Tâm 63/111171 ĐĐ1 TĐ36BĐQ 15/04/1972
37 HS1 Hồ văn Tám ĐĐ1 TĐ52BĐQ 8/6/1972
38 B2 Đỗ ngọc Tâm 72/149960 TĐ31BĐQ 22/05/1972
39 B1 Lê Thạch 72/204083 TĐ31BĐQ 27/05/1972
40 HS Nguyễn văn Thanh 69/108099 ĐĐ3 TĐ52BĐQ 22/05/1972
41 HS Lê văn Thọ 73/111046 TĐ31BĐQ 14/05/1972
42 HS Nguyễn văn Thơm 72/105570 TĐ36BĐQ 13/06/1972
43 HS1 Trần văn Thuỷ 69/156326 Đ36BĐQ 12/5/1972
44 HS1 Vũ Đình Thuỵ(Thi) ĐĐ3 TĐ52BĐQ 13/05/1972
45 Đỗ Ngọc Tiến 74/189540 ĐĐ3 TĐ52BĐQ 12/5/1972
46 B2 Trần văn Tính 72/112416 TĐ36BĐQ 3/5/1972
47 B1 Đinh Bá Tòng 63/108883 TĐ36BĐQ 21/06/1972
48 TS Nguyễn văn Trường TĐ52BĐQ 8/6/1972
49 B1 Trần văn Tuy 73/114120 TĐ36BDQ 13/06/1972
50 B2 Phạm Văn 73/225395 ĐĐ4 TĐ52BĐQ 14/05/1972
51 Vô danh Nhảy Dù  7/1972
10 hài cốt vô danh

1323833369-1

DANH SÁCH TỬ SĨ SƯ ĐOÀN 18 BỘ BINH ĐÃ ĐƯỢC CẢI TÁNG

DANH  SÁCH  TỬ SĨ  TẠI  AN  LỘC

01-         HUỲNH KIM    HOÀNG         61/159314         SĐ18BB                        1972     THẺ  BÀI

02- B2    LÊ          VĂN   CHIẾN           71/118421         SĐ18BB                        1972    CĂN CƯỚC Q N

03-         LƯU       HỮU    TƯ                 72/120841         SĐ18BB                        1972    THẺ BÀI

04-         TRẦN    MINH   TÂM             72/114020         SĐ18BB                         1972   THẺ BÀI

05-          NGUYỄN VĂN  TÂY                 1944       TĐ1TĐ48SĐ18BB      30-5-1972   Thân nhân đã nhận

06- B1    NGUYỄN VĂN  THÁI            75/104307  TĐ1TĐ48SĐ18BB      21-6-1972    BIA

07- B1   TĂNG       VĂN   NHỎ             75/106671  TĐ1TĐ48SĐ18BB      21-6-1972    BIA

08- B1   LIỄU          VĂN  THANH       72/114633   TĐ1TĐ48SĐ18BB      21-6-1972    BIA

09- B1   TRẦN        VĂN   RỚT             72/143232  TĐ1TĐ48SĐ18BB      20-6-1972    BIA

10- HS1 PHẠM       VĂN    TƯ              59/152334  TĐ1TĐ48SĐ18BB      10-7-1972    BIA

11- B1   NGUYỄN  THẾ     TY               58/866963  TĐ1TĐ48SĐ18BB      10-7-1972    BIA

12- TS1 TRẦN        VĂN     ANH          70/000285  TĐ1TĐ48SĐ18BB      03-7-1972    BIA

13- HS1 ĐẶNG      VĂN    LỢI              70/115479  TĐ1TĐ48SĐ18BB      22-4-1972    BIA

14- HS1 NGUYỄN VĂN   HƯỜNG       57/154870  TĐ1TĐ48SĐ18BB      14-6-1972    BIA+THẺ BÀI

15- B1    TRIỆU      VĂN   BẮC             72/123782  TĐ1TĐ48SĐ18BB      14-6-1972    BIA+THẺ BÀI

16- HS1 TRẦN     BỬU      TỰ               62/137789  TĐ1TĐ48SĐ18BB      14-6-1972    BIA

17- B1    HOÀNG               VÂN            75/103950  TĐ2TĐ48SĐ18BB       03-7-1972    BIA

18- TS1 NGUYỄN VĂN  GẦM (CẦM) 66/107987  TĐ2TĐ48SĐ18BB       03-7-1972    BIA

19- B1   NGUYỄN             TÌNH            73/131047  TĐ2TĐ48SĐ18BB       23-7-1972    BIA

20- TS1 TRẦN     TH         SƠN             67/404383  TĐ2TĐ48SĐ18BB       19-6-1972    BIA

21- HS1  HUỲNH  VĂN    GO (CO)      55/159731  TĐ2TĐ48SĐ18BB       10-6-1972    BIA

22- HS1 TRẦN   QUỐC     SIÊN                485007   TĐ2TĐ48SĐ18BB       30-6-1972    BIA

23- TS1 TRẦN –S –TH –   LONG          70/131561  TĐ2TĐ48SĐ18BB       27-7-1972    BIA

24-         ĐỖ    VĂN           ĐỨC             69/152180  TĐ2TĐ48SĐ18BB       27-7-1972    BIA+THẺ BÀI

25-         PHẠM   NGỌC    LỢI               69/157297  TĐ2TĐ48SĐ18BB       15-7-1972    BIA+THẺ BÀI

26- B1   CHÂU               SUÔL                   505916   TĐ3TĐ48SĐ18BB       18-6-1972    BIA

27-        LÝ    MINH       HOÀNG           70/137106  TĐ3TĐ48SĐ18BB       25-7-1972    BIA

28- B1  TRẦN   VĂN     …….                                   TĐ3TĐ48SĐ18BB       10-7-1972    BIA

29- HS1 NGUYỄN VĂN TRUY             71/121925  TĐ3TĐ48SĐ18BB       18-6-1972    BIA

30- HS1 NGUYỄN VĂN  DƯƠNG        70/143628  TĐ3TĐ48SĐ18BB       03-7-1972    BIA+C C Q N

31-         TRẦN    VĂN     NHU               65/107695  TĐ3TĐ48SĐ18BB       24-6-1972    BIA

32-         NGÔ      VĂN    BÁO                73/128710  TĐ1TĐ52SĐ18BB       01-7-1972    BIA+THẺ BÀI

33-         LÂM     LÊ     NGUYÊN           73/113371        TĐ52SĐ18BB                  1972   THẺ BÀI

34- HS1 NGUYỄN NGỌC DƯƠNG       61/101385        TĐ31BĐQ              13-4-1972    BIA

35- TS   LÊ   VĂN          QUANG           68/400070        TĐ31BĐQ              13-4-1972    BIA

36- HS   TRẦN               THUẬN            72/123834        TĐ31BĐQ              13-4-1972    BIA

37- TS1 SƠN  CẢNH      XUÂN             67/814386        TĐ31BĐQ              13-4-1972    BIA

38- B2   TRẦN  NGỌC  BÍCH                70/080572        TĐ36BĐQ              17-6-1972    BIA

39- B2   NGUYỄN VĂN  ĐỒNG            69/186326        TĐ36BĐQ              17-6-1972    BIA

40-         VÕ   VĂN       SINH                  70/105190         TĐ? ND                 17-4-1972    CĂN CƯỚC Q N

41-         HUỲNH MINH THÔNG           70/212143         TĐ? ND                 17-4-1972    BIA

42-         ĐIỂU               GIA                          1942        ĐĐ 251 ĐPQ                       1972   CĂN CƯỚC Q N

43-         NGUYỄN VĂN  THỜI              47/275205    ĐĐ 251 ĐPQ                        1972   CĂN CƯỚC Q N

44-         NGUYỄN VĂN    NHA                   1900         THƯỜNG DÂN        13-4-1972    BIA

Hình0062.jpg

Posted in Uncategorized | 12 Comments

NGƯỜI THIẾU PHỤ TRONG MƯA PHÙN GIỮA NÚI RỪNG VIỆT BẮC

NGƯỜI THIẾU PHỤ TRONG MƯA PHÙN
GIỮA NÚI RỪNG VIỆT BẮC


       Viết để tưởng nhớ quý chiến hữu đã gục chết trong lao tù Cộng Sản, và cũng để tuyên dương những người vơ lính VNCH, đặc biệt là chị quả phụ của cố Đại úy CSQG Trần Thiên Thọ Hải.

Đoàn Trọng Hiếu

       Cuối năm 1977, tình hữu nghị anh em xã hội chủ nghĩa giữa Cộng Sản Ta và Cộng Sản Tàu đã trở nên tồi tệ.  Đài phát thanh Hà Nội, cái loa tuyên truyền của Cộng Sản Ta đã không còn ra rả phát đi lời tuyên bố của tên Thủ Tướng Đồng “vẩu”.  Trước kia, nào là “tình hữu nghị Việt-Trung muôn đời bất diệt” nào là “tình hữu nghị Việt-Trung như răng với môi, môi hở thì răng lạnh” .v.v..  Vì sau khi cưỡng chiếm được miền Nam, các tên lãnh đạo Cộng Sản Ta đã ngả theo Nga, mà quên đi cái ơn của Cộng Sản Tàu trong những năm chiến tranh “anh bộ đội cụ Hồ” đã được Cộng Sản Tàu trang bị cho từ chân lên đến đỉnh đầu, từ đôi dép râu làm bằng lốp xe đến cái nón cối đội trên đầu, thậm chí là cả cái bát ăn cơm, anh bộ đội chỉ có duy nhất “cụ Hồ” là của chính anh.  Để trừng trị thằng đàn em cứng đầu vong ơn bội nghĩa, Tàu Cộng liền cho tên Miên Cộng Polpốt quậy phá ở biên giới phía Nam.  Nhưng tên Miên này không làm nên chuyện, nên Tàu Cộng đã dàn quân dọc biên giới phía Bắc để chuẩn bị cho Cộng Sản Ta bài học số một, và như vậy là răng đã cắn sứt môi.

       Lo sợ khi Cộng Sản Tàu đánh xuống, anh em tù phía Quốc Gia đang bị giam giữ tại các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ .v.v. sẽ tìm cách trốn sang biên giới phối hợp với lực lượng ly khai của Hoàng Văn Hoan đang được Tàu Cộng ủng hộ, nên gần cuối năm 1977 bọn Việt Cộng đã chuyển anh em tù xuống dần phía Nam đến các trại Vinh Quang hay Tân Lập thuộc tỉnh Vĩnh Phú hoặc các trại Hà Tây hay Nam Hà (Đầm Đùn, Ba Sao) gần Hà Nội.  Tình hình sức khỏe anh em khi còn ở các trại do quân đội Việt Cộng quản lý đã tồi tệ, thì nay càng tồi tệ hơn dưới sự hà khắc dã man của bọn Công An, mà anh em tù quen gọi là bọn “Chó Vàng”, tiêu chuẩn ăn uống thì bị cắt xén ăn bớt.  Mỗi bữa ăn chỉ được một thìa cơm với hai khúc sắn tươi, hoặc gần chục lát sắn khô hay một chén sắn duôi (loại sắn được nạo thành sợi hay xắt thành cục phơi khô), vài muỗng canh đại dương (nước muối với vài cọng rau già), hoặc một vài miếng sắn được nấu với muối cho nhừ để làm canh.  Họa hoằn, một đôi ba tháng vào các ngày Lễ Tết thì được một chén cơm trắng với hai ba miếng thịt lợn to bằng đốt ngón tay, hoặc một vài miếng thịt trâu từ một con trâu già đã không còn kéo cày nổi hay bị chết vì không chịu nổi cái lạnh mùa đông.  Với chế độ ăn uống như vậy mà phải làm việc khổ sai, dẫn đến tình trạng kiệt lực, người nào cũng chỉ còn da bọc xương.  Mỗi buổi chiều hết giờ lao động, anh em tù cởi áo xuống ao tắm, trông như một bầy khỉ ốm đói.  Tình trạng bệnh tật và không có thuốc men thật là đáng sợ, bệnh kiết lỵ, phù thủng và thổ huyết rất phổ biến.  Đã có một số anh em chết mà anh em tù quen gọi là “quay đầu về núi” vì hầu hết tù nhân chết đều được chôn trên các sườn đồi.  Xin đơn cử một vài cái chết của vài anh mà tôi có dịp ở chung.

       ·Thiếu tá Hà Sỹ Phong, phó giám đốc đài phát thanh Tự Do, anh ở cùng đội với tôi, mấy ngày trước anh bị bệnh nên cho nghỉ ở nhà trực phòng, sau đó 2 ngày anh được mẹ ở miền Bắc lên thăm.  Buổi tối anh cho tôi nửa chén cơm vắt và hai miếng thịt gà kho mặn, anh thì thầm tâm sự:

       -Năm 54 tôi di cư vào Nam chỉ có một mình, ông bà cụ luyến tiếc tài sản không chịu đi, bố tôi bị đi tẩy não (tù cải tạo) trong đợt cải cách ruộng đất và chết trong tù, bây giờ mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi lại phải đi thăm con ở tù.  Đây là lần đầu gặp lại mẹ tôi sau hơn hai mươi năm xa cách.

       Nói rồi hai hàng nước mắt anh lăn dài trên má.  Tôi lí nhí cám ơn anh về món quà anh đã cho tôi.  Sau gần 3 năm tù, đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức một món ăn quá sang trọng như vậy.  Tôi xé từng sớ thịt, rồi lại liếm mấy ngón tay, tận hưởng cái hạnh phúc to lớn ấy rồi thiếp dần vào giấc ngủ.  Sáng hôm sau khi ra khỏi phòng để điểm danh thì thiếu một người, tên thường trực thi đua (một tên tù được đưa lên phụ việc đóng mở cửa và kiểm soát anh em) đi vào thì phát hiện anh Phong đã mê man.  Chúng tôi vội cõng anh lên trạm xá nhưng anh đã chết vài giờ sau đó.  Ít ngày sau lại đến anh Trung Tá Lạc phòng 2 Bộ tư lệnh Quân Đoàn II.  Một buổi chiều sau khi lao động về, anh Lạc ghé sang khu tôi ở, móc trong túi ra một cái bánh chưng đưa cho tôi và nói:

       – Hai cháu nó mới ra thăm, cả hai đều được đi dậy học lại và là “giáo viên tiên tiến” nên được cho ra thăm “ăng Bác”.   Nó tìm lên thăm mua cho ít quà, chú dùng cái bánh chia vui với tôi, mấy ngày nữa các cháu sẽ lại lên thăm tôi lần nữa.  Tôi đón cái bánh chưng to bằng cái bánh trung thu và lí nhí cám ơn anh rồi vội chia tay, vì sợ tụi cán bộ trông thấy sẽ ghép tôi quan hệ trái phép .v.v..  Quả thật những lúc đói khát khó khăn thế này mới thấy cái tình dành cho nhau nó to lớn và sâu đậm.  Nhưng rồi không may cho anh, hai hôm sau anh đã chết ngay tại hiện trường lao động không kịp gặp lại các con.  Giữa năm 78 vì đói khát suy dinh dưỡng, cộng thêm cơn sốt vàng da đã khiến tôi kiệt lực, thân thể chỉ còn trên 30kg.  Tôi không còn bước đi được nữa, mà chỉ có thể bò được vài ba thước, tôi được đưa xuống trạm xá nằm trong “danh sách chờ”.  Tại đây đã có anh Tư, anh là người hạm trưởng đã sang Singapore rồi lại quay về, anh bị bệnh phù thủng lại thêm phần ân hận vì đã quay về để rồi bị đi tù mút chỉ, nên chỉ ít ngày thì anh chết.  Rồi đến Trung Tá Mai Xuân Hậu, Tỉnh trưởng Kontum, Thiếu Tá Đặng Bình Minh lái trực thăng cho Tổng Thống Thiệu, Trung Tá Lý.  Dường như chẳng còn ai quan tâm đến cái chết, chả thế mà vẫn còn nói đùa: “Đ.M. mày qua mặt tao mà đíu bóp còi.”

       Cũng thời gian này, có một bài hát đã được anh sáng tác tôi vẫn còn nhớ được ít câu: “Rồi một ngày mai không có anh, em không còn phải nhớ phải mong – Rồi một ngày mai thân xác anh quay đầu về núi – Cô đơn ngồi khóc một mình – Không một lần kịp vuốt mắt anh – Ôi mây lang thang về phía trời xa vời, nhìn trông theo cánh chim từng đàn, để mình ta với bao ngày tháng xanh rêu, bụi thời gian lấp kín hồn mình, đớn đau trong lòng mà nhớ về nơi xa, ôi ngày về còn dài bao lâu – Rồi một ngày mai anh chết đi, em không còn phải khóc phải thương – Rồi một ngày mai thân xác anh đi vào lòng đất, cô đơn phủ kín đời mình – Không một lần kịp nói tiếng yêu.”

       Nhưng rồi may mắn hơn, số tôi chưa tới, nên căn bệnh sốt vàng da không biết có phải nhờ ba cái lá ổi, lá xoan hay không, mà tự nhiên biến mất.  Và may mắn thay, nhờ mảnh giấy tôi gửi lén về qua một chị ra thăm chồng, tuy bị tụi công an phát giác, nhưng chị cũng đã nhớ cái địa chỉ ở Biên Hòa, nên chị đã đi tìm báo cho gia đình tôi biết.  Nhờ vậy, cuối năm 79 mẹ tôi và vợ con tôi ra thăm, tên Vinh cán bộ giáo dục của trại trước khi tôi ra gặp đã chỉ cho tôi gặp 5 phút vì tôi đã gửi lén thư, nhưng tên công an dắt tôi ra đã cho tôi gặp gần một giờ.  Gặp lại mẹ và vợ con sau hơn 4 năm chỉ biết khóc.  Chỉ nói được vài câu thì đã hết giờ, tôi đứng dậy chào từ biệt, lòng buồn rã rượi, rồi chống gậy lom khom lết về trại, một tên tù hình sự được chỉ định giúp tôi đẩy cái xe cải tiến chở đồ thăm nuôi vào trại.

       Nhờ chuyến ra thăm này mà tôi dần dần hồi phục, lúc này mỗi tuần đều có một vài anh em “quay đầu về núi”.  Cái đồi sắn ở phía đội 12 sau hơn hai năm đã có gần 300 anh em tù chính trị được chôn ở đó.  Gần tết năm 79 tôi chuyển sang đội 17 lâm sản, chuyên đi lấy củi để sử dụng cho bếp trại, thời gian này do áp lực của quốc tế, nên chúng buộc phải cho gia đình đi thăm nuôi, nên sức khỏe của đa số anh em đã dần dần hồi phục.  Một số anh em “con bà phước” cũng được anh em đùm bọc, nên cái bóng thần chết đã bị đẩy lùi.  Hàng đêm tại các phòng, anh em lại tụ tập quanh ngọn đèn dầu với ấm trà cặm tăm, loại trà thật đặc được pha hoàn toàn bằng búp trà “hai tôm một tép” sao sấy cẩn thận, do anh em đội trà lén mang về.  Các tay văn nghệ lại bắt đầu tổ chức ca hát nhạc vàng hàng đêm, khiến tụi cán bộ trại điên đầu, chúng bắt đầu cảm thấy hoang mang vì thấy tù càng bị nhốt lâu lại càng ung dung tự tại, không còn hoang mang lo sợ, lại thêm đám cán bộ nhí bắt đầu bị anh em tù thu phục.  Chúng bắt đầu xin anh em chép và dạy cho chúng hát nhạc vàng, có tên còn xin đồ ăn và thuốc hút.  Những buổi lên lớp do tên Trung tá Thùy nói chuyện đã bị anh em phản kháng bằng cách vỗ tay và cười, đã làm cho hắn ngượng ngùng.  Chẳng hạn như lúc hắn khoác lác về tên Phạm Tuân đã bay Mig21 lên, rồi tắt máy phục kích ở trong mây, đợi B52 đến rồi nổ máy tiêu diệt, hay làm phụ lái cho tàu vũ trụ bay lên không gian nghiên cứu bèo hoa dâu dể nuôi lợn .v.v.  Rồi sang đến cuối năm 80 thì cũng chính tin đồn anh em tù sẽ đi Mỹ, phát ra từ trong đám cán bộ, dân chúng quanh vùng quý tù miền Nam và ghét cán bộ ra mặt.  Anh em đã san xẻ thuốc men cho dân ốm đau trong vùng, khi đi lao động ngoài Bến Ngọc.  Anh em thường gọi đây là công tác dân sự vụ.

       Một buổi tối cuối năm, sau khi đã điểm danh vào phòng, anh em đang tụ tập đàn hát như thường lệ, lúc kẻng báo tắt đèn đến giờ ngủ thì tên cán bộ trực tại trại đến cửa phòng nói vọng vào yêu cầu Phan Thanh đội trưởng lâm sản cử 4 người đi “lao động đột xuất”.  Thanh, Diệp, Tân và tôi mặc quần áo cho thật ấm và cũng không quên mang theo tấm nylon đề phòng mưa, vì mùa đông miền Bắc thật lạnh, lại thường có mưa phùn.  Chúng tôi được lệnh xuống chỗ đội 12 lấy cuốc xẻng và thùng xách nước bỏ lên xe cải tiến đi về phía khu nhà tiếp tân.  Tên cán bộ đi theo đưa cho tôi cái đèn bão leo lét.  Ngang khu nhà tiếp tân thì đã thấy một thiếu phụ trong bộ đồ tang trắng đang đứng đợi.  Dường như đã được sắp xếp, người thiếu phụ lặng lẽ đi theo, tên cán bộ ra lệnh cho chúng tôi đi ra khu nghĩa địa.  Đến nơi, hắn bảo chúng tôi đi tìm mộ của Trần Thiên Thọ Hải.  Chúng tôi nhớ ra đại úy Hải chết vào đợt những anh em đầu tiên năm 1977, như vậy là nằm ở sâu trong cùng sát chân đồi.  Sau gần 15 phút chúng tôi đã tìm được ngôi mộ của anh với tấm bia chỉ nhỏ bằng tờ giấy học trò ghi lờ mờ, còn nắm đất thì chỉ cao hơn mặt đất chừng một tấc.  Chúng tôi được lệnh là đào để bốc cốt cho chị mang về trong Nam.

       Việc đầu tiên là tìm một ít cành khô để đốt một đống lửa sưởi ấm và lấy ánh sáng, chị bắt đầu lấy ra môt bó nhang đốt lên rồi quỳ xuống vái ba lạy.  Cầm nguyên bó nhang chị thổn thức khóc và nằm phủ phục lên ngôi mộ.  Dưới ánh lửa tôi thấy thiếu phụ còn rất trẻ chỉ khoảng dưới 30, nét mặt xương xương.  Chúng tôi đứng lặng yên tôn trọng nỗi đau của chị, cho đến khi tên cán bộ yêu cầu chúng tôi “khẩn trương” bắt tay vào việc, vì trời đã lâm râm mưa phùn.

       Chúng tôi dìu chị đứng dậy sang bên cạnh và bắt đầu đào.  Chỉ không đầy 20 phút chúng tôi đã đụng lớp ván đã mục, vì khi tù nhân chết thì chỉ được bỏ vào cái quan tài nhỏ vừa khít người được đóng bằng loại gỗ bạch đàn hay bồ đề, một loại cây được trồng để làm giấy, nên rất nhẹ xốp, được xẻ thành từng thanh và đóng hở như cái vạt giường, nên thấy cả xác nằm bên trong và đám tù hình sự khi đi chôn thì chỉ đào sâu khoảng 4 tấc rồi vùi lấp qua loa.  Gỡ lớp ván trên mặt, bên trong là bộ quần áo tù đã rữa nát. Tôi đi xách một thùng nước ở dưới ruộng để rửa cho sạch đất, người thiếu phụ cũng đã lấy ra một cái thau nhựa và đổ vào đó một ít rượu.  Chúng tôi cẩn thận nhặt từng cái xương rũ cho bớt đất, rửa cho sạch rồi trao cho chị.  Chị cầm từng cái rửa trong rượu, rồi bỏ vào cái bịch nylon hai lớp.  Chị đưa cho chúng tôi mỗi người một gói thuốc Tam Đảo rồi vừa làm chị vừa tâm sự:

       – Giữa năm 79, em có xin phép ra thăm, nhưng khi đến trại thì họ nói là không có anh Hải ở đây, nhưng ít tháng sau thì em được tin anh Hải đã chết từ năm 77, do một chị bạn ra thăm chồng về cho biết.  Như vậy là họ đã dấu nhẹm không báo cho gia đình, mới đây một người mách bảo cho em ra Bộ Nội Vụ ngoài Hà Nội làm đơn xin bốc cốt, sau mấy lần làm đơn cuối cùng họ đã phải cho.  Nhưng khi đến đây thì họ chỉ cho làm vào ban đêm và sau khi xong, họ không cho em ở lại nhà tiếp qua đêm với lý do là ô uế.

       Sau gần một giờ, thấy có thể đã không còn sót cái xương nào, chúng tôi bảo chị để tránh rắc rối chị không nên mặc bộ đồ tang này.  Chúng tôi lấy bộ quần áo tang quấn quanh cái bao nylon đựng cốt bỏ vào cái bị cói lớn rồi lấy sợi dây chuối khô khâu miệng lại để không ai nhìn thấy.  Trên đường về trại, lúc đến chỗ rẽ, chị lý nhí vừa thổn thức khóc vừa cám ơn rồi dúi vào tay chúng tôi mấy gói thuốc còn lại.  Nhìn người thiếu phụ tay xách cái bị cói đựng cốt chồng, lặng lẽ đi trong đêm, trên con đường rừng cô quạnh, khiến chúng tôi vô cùng thương cảm, ngậm ngùi, đứng trông theo.  Bỗng sự uất ức trào lên rồi không nén lại được, tôi thốt lên trong kẽ răng:

       – Đ.M. Chúng mày rồi sẽ phải trả giá cho hành động này!

       Chúng tôi đi vào theo cửa hông của cổng trại, rồi lặng lẽ đi về phòng.  Tên thường trực thi đua đã đứng đợi sẵn để mở cửa.  Đã quá nửa đêm, cái lạnh đã thấm sâu vào người, nằm co quắp dưới lớp chăn mỏng, tôi thầm ái ngại cho số phận của người đàn bà bất hạnh.  Chị mang cốt chồng đi giữa đêm trời giá lạnh của vùng rừng núi Việt Bắc, như người vợ, người mẹ Việt Nam đang mang nỗi đau, nỗi bất hạnh của cả một dân tộc đi trong đêm tối bão bùng.

Posted in Hồi ký từ địa ngục | 1 Comment

Chuyện Buồn Trong Và Sau Chiến Tranh

ĐÂY LÀ CÂU CHUYỆN BUỒN XÉ RUỘT NÁT GAN CỦA MỘT NGƯỜI BẠN CÙNG ĐƠN VỊ.

 CỐ ĐẠI UÝ LÊ VĂN HIẾU TIỂU ĐOÀN 52 BIỆT ĐỘNG QUÂN VÀ GIA ĐÌNH CỦA ÔNG.

CÓ NỖI ĐAU NÀO HƠN NỖI ĐAU NÀY

CÒN NỖI BUỒN NÀO BUỒN HƠN NỖI BUỒN NÀY

Trung uý Lê Văn Hiếu tốt nghiệp Khoá 25 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, về phục vụ tại Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân vào đầu năm 1968. Ông thăng cấp thiếu uý khoảng tháng 6/1969, thăng cấp trung uý khoảng tháng 6/1971, đảm nhiệm chức vụ đại đội trưởng Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 52BĐQ. Anh dũng hy sinh tại mặt trận An Lộc Bình Long ngày 19/5/1972. Nhưng nỗi đau không dừng lại ở đó mà nó còn tiếp diễn đến những năm tháng sau này đối với gia đình ông. Sau đây là câu chuyện xé lòng đã xảy đến với gia đình ông. Xin phép cháu Phú cho chú được chia sẻ nỗi đau xé lòng đã đến với gia đình con.

 Như nói ở trên ông Hiếu (Hiếu lớn) thăng cấp Tr/u đầu năm 1971 và lên nắm Đại Đội Trưởng ĐĐ1/52 thay thế Đ/u Sơn. Hiếu người Quảng Bình, hơi nhỏ con rất hiền hoà vui tính, lúc đó ông đã có vợ và hai đứa con trai, ngoài ra ông còn bà mẹ già đã mù hai mắt đang sống với người con gái tại Cẩm Tâm Cẩm Mỹ, Long Khánh. Tháng 5/71 tôi nhận lệnh thuyên chuyển từ ĐĐ3 sang ĐĐ1 làm đại đôi phó cho ông, vốn biết nhau và từng đi chơi ăn nhậu với nhau từ khi hai đứa còn là chuẩn uý, nên khi tôi về ở chung ông rất vui và tin tưởng ở tôi. Tháng 8/71 khi nhận lệnh hành quân giải toả Đồi 46 Căn Cứ Alpha, căn cứ này đã bị việt cộng vây kín và tấn công liên tục đã gần 20 ngày. Buổi chiều nhận lệnh hành quân cũng là lúc ông nhận được điện tín vợ ông vừa cho chào đời đứa con trai thứ 3. Tôi nói ông hãy về đi để đại đội tôi lo, nhưng ông kiên quyết ở lại cho trận đánh ngày mai, quyết định ở lại của ông cũng đã khiến Ch/u Lê Văn Mạnh đã cầm Sự Vụ Lệnh về lại Ty thuế vụ Kiến Hoà cũng tình nguyện ở lại tham gia trận đánh ngày mai. Ngày hôm sau khi vừa lên đến cách Căn Cứ Alpha 500m về hướng bắc thì đụng lớn, chiếc M113 có ông ngồi bên trên bị trúng B40 bốc cháy, ông cùng hai người mang máy bị tung xuống đất bị thương, viên thiếu uý chi đội trưởng cùng hai xạ thủ đại liên và viên tài xế chết ngay trên xe, bên BĐQ cũng có Hạ sĩ Xuân chết trong thùng xe, vì viên tài xế chết mà chân vẫn đạp ga cho nên chiếc xe lao qua phòng tuyến việt cộng tiếp tục chạy cho đến khi đâm vào bìa rừng cao su và bốc cháy. Thế là tôi phải thay ông điều động trận đánh, trận này ĐĐ1/52BĐQ và Chi Đoàn 3/18 Kỵ Bịnh tiêu diệt 52 tên xác đếm tại chỗ và bắt sống 1 tên, theo lời tên bị bắt sống khai là C (đại đội) đươc lệnh rút hết đêm nay, nhưng vì chúng tôi tấn công vào buổi sáng nên cả C phải nằm lại tại vị trí chiến đấu và đã chết hết. Phía Thiết Giáp cháy 1 xe M113 , 4 hy sinh và 3 bị thương. Phía BĐQ duy nhất chỉ có hạ sĩ Xuân hy sinh bị cháy trong xe M113, khoảng hơn 10 binh sĩ bị thương, còn ông chỉ bị sức ép của trái đạn B40 và văng khỏi xe nên không cần tải thương. Ngay chiều hôm đó ông cùng ch/u Mạnh tháp tùng trực thăng tải thương đi phép về thăm gia đình, điều này cho chúng ta thấy tinh thần trách nhiệm của ông đối với sự sống còn của thuộc cấp quan trọng như thế nào.

Tháng 12/1971 khi tiểu đoàn đi”hấp” tại Dục Mỹ, lúc này tôi đã sang nắm đại đội trưởng ĐĐ4/52. Chuyện đi “hấp” cũng là điều thú vị đối với các tiểu đoàn Biệt Động Quân, đơn vị có một tháng rời vùng hành quân, ôn tập lại chiến thuật và nhất là được xả hơi. Nhưng đối với TĐ52BĐQ thì lại là một điều mà hầu hết những người lính kỳ cựu của tiểu đoàn đều không muốn, vì mỗi lần đi”hấp”là sau đó đơn vị đụng rất nặng, nó như là cái “huông”. Năm 1963 khi vừa “hấp” về thì đụng trận Thạnh Lợi, tiểu đoàn trưởng Đ/u Lý Thành Nguyên hy sinh, đầu năm 1965 vừa “hấp” về thì đụng trận Đồng Xoài, năm 1966 trận Suối Lòng, năm 1967 trận Kim Hải, tất cả các trận trên đều từ cấp tiểu đoàn trở lên, tuy chiến thắng lớn nhưng tổn thất cũng không nhỏ.

Chỉ còn hai hôm nữa thì tiểu đoàn trở về lại vùng hành quân, một buổi tối Hạ sĩ Tạ Tơ thuộc BCH/TĐ xuống đại đội gặp tôi, tôi còn nhớ nguyên văn anh nói

  •  Thiếu uý ơi! Lần này tiểu đoàn mình về đụng nặng lắm, đại đội trưởng chỉ còn có mình ông.

 Tôi gặng hỏi

                   –        Sao mày biết?

                   –     Tôi coi bài thấy vậy nên nói thiếu úy nghe.

Tôi lập tức ngăn chặn hắn

                    –     Mày mồm miệng ăn mắm ăn muối, đừng có nói bậy đến tai thiếu tá Dậu ông cho ăn hèo  nghe mày.

                    –     Tôi biết mà, ngoài thiếu uý ra tôi hổng có dám nói với ai đâu ông thầy.

Tôi nghe qua rồi cũng chẳng để tâm đến ba cái chuyện bói toán dị đoan này.

Tiểu đoàn về hâu cứ tại Trại Phan Hạnh Hố Nai, mọi quân nhân đi phép 48 tiếng rồi trực chỉ hành quân sang vùng Kampong Trabek bên lãnh thổ Kampuchia, hầu như ngày nào cũng đụng lẻ tẻ không đại đội này thì đại đội khác, sau này tôi ngẫm nghĩ ra là bọn chúng tìm cách cầm chân hai Liên Đoàn 3&5 BĐQ cùng Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh bên đất Kampuchia để chúng chuyển quân chuẩn bị cho chiến trường An Lộc.

Khi ý định của địch bị ta phát hiện nên lập tức đầu tháng 4/72 chúng tôi được lệnh cấp tốc rút về Suối Đá dưới chân núi Bà Đen, rồi ngày 6/4/1972 trực thăng vận nhẩy vào An Lộc. Thông thường thì đại đội 1&3 cũng như 2&4 thường hoạt động chung một cánh, nhưng vì thấy tôi và Trung uý Lê Văn Hiếu tương đối khá thân với nhau và tôi từng là đại đội phó cho ông nên hai đại đội 1&4 thường đi sát cạnh nhau, cũng như Trung uý Đỗ Mạnh Trường ĐĐ2 cũng từng là đại đội phó cho Trung uý Hà Ngọc Tỉnh nên hai đại đội 2&3 cũng thường sát cạnh nhau.

Sau khi việt cộng pháo cả mấy ngàn trái đủ loại và tấn công bằng chiến xa và bộ binh lần thứ nhất vào đêm ngày 12 và chiếm gần nửa thành phố. Ba ngày sau đại đội 1 từ dưới Ga Hớn Quản được lệnh vào thành phố và đánh chiếm lại căn nhà lầu hai tầng phía bên trái ngay ngã tư Đại lộ Trần Hưng Đạo và Quốc lộ 13. Còn đại đội 4 được lệnh giao đồi 169 cho Nhẩy Dù  và tấn chiếm lại Trường Quốc Quang bên tay phải. Đến khoảng 10 giờ tối thì ĐĐ1 đã chiếm lại được căn nhà lầu (nhà của đại uý Hiệp Hội Đồng Tỉnh Bình Long), phía bên ĐĐ4 bị địch kháng cự quá mạnh đành phải để lại một trung đội nằm lại giữ vị trí, phần còn lại rút về phía bên kia đường.

Đêm 18 chúng pháo cả chục ngàn trái rồi lại tấn công tiếp bằng chiến xa, nhưng chúng hoàn toàn thất bại. ĐĐ4 chúng tôi bắn hạ một T54 và hạ sĩ Hồ Văn Tám của ĐĐ1 đã trèo lên trên pháo tháp ném một quả lựu đạn vào trong khiến xe bốc cháy và phát nổ. Chỉ riêng đoạn đường từ Đài Kito Vua lên đến ngã tư QL13 và Đại lộ Trần Hưng Đạo khoảng trên 300m mà đã có 7 chiếc T54 bị bắn hạ. Tiểu Đoàn 52BĐQ chúng tôi cũng bị thiệt hại nặng; bên ĐĐ3 Tr/u Hà Ngọc Tỉnh, Th/u Trương Đình Phúc và nhiều anh em khác hy sinh, bên ĐĐ2 Tr/u Đỗ Mạnh Trường bị thương nặng, Th/u Đức hy sinh cùng nhiều anh em khác, ngoài ra số bị thương không biết bao nhiêu. Tôi chợt nghĩ đến điều Hạ sĩ Tạ Tơ nói với tôi hôm trước ngày rời Dục Mỹ :”Thiếu uý ơi! lần này về tiểu đoàn mình đụng nặng lắm, đại đội trưởng chỉ còn có mình ông”.

Tối hôm đó từ bên Ty Thông Tin bất chấp nguy hiểm, tôi chạy băng ngang qua đường để gặp ông, gặp tôi ông nước mắt rưng rưng kể cho tôi nghe từ hôm vào An Lộc đến nay đại đội đã hy sinh 16 người và bị thương trên hai chục người, hiện đại đội không còn một sĩ quan và hạ sĩ quan nào ngoài ông và Thượng sĩ Đông thường vụ. Tôi nói với ông tôi cũng đã mất 4 và bị thương trên chục rồi. Sau đó tôi nói với ông cũng như tự trấn an mình ”Nè trung uý! thùng thì thủ, cù lũ thì dương nghe ông” ý tôi muốn nói tuỳ theo khả năng hiện nay của đại đội mà đánh đấm chứ đừng có nóng quá.

Ngày hôm sau tôi được lệnh chuyển đổi phòng tuyến để ông lui về phía sau bên Ty Thông Tin và dãy nhà đổ nát đối diện với Trường Quốc Quang bên đây đường, nhưng ít ngày sau có Tiểu đoàn 5 Dù ở đàng sau bảo vệ Bộ Tư Lệnh Hành Quân nên ông được lệnh mang đại đội sang phòng thủ bên Ty Chiêu Hồi về hướng đông bên kia đường.

Đêm 18/5 việt cộng tấn công lần thứ 3, cường độ tấn công lần này khủng khiếp hơn. Từ nửa đêm hàng chục ngàn trái pháo đủ loại đã rót vào thành phố, nếu chia đều cho mỗi người lính VNCH tử thủ thì mỗi người cũng được 3 trái còn nếu chia đều cho diện tích thì cứ mỗi 3m2 là lãnh một trái đạn pháo. Gần 4 giờ sáng 19/5, chiến xa của chúng bắt đầu nổ máy và khai hoả, chúng chỉ nằm sát chúng ta không đầy 300m để tránh bom từ B52 cũng như các loại máy bay của Hoa Kỳ và VNCH trút xuống hằng đêm, nên khi vừa nghe chúng rú lên rung chuyển mặt đất là chúng đã xuất hiện ngay trên phòng tuyến. Nhưng nhờ đã có kinh nghiệm sau hai lần bị tấn công bằng chiến xa lần trước, nên các tổ săn chiến xa đã được thành lập, hiệu quả của M72 đã được tin tưởng và ứng dụng triệt để, phương cách tách rời chiến xa với bộ binh tùng thiết rất hiệu quả nên chiến xa của chúng đã bị vô hiệu hoá và tiêu diệt ngay trên phòng tuyến từ lúc đầu

Tuy nhiên mục tiêu của chúng là tấn công vào Bộ Tư Lệnh Hành Quân nên đai đội 1/52BĐQ của ông nằm tử thủ trong Ty Chiêu Hồi là cái nút chặn mà chúng bắt buộc phải nhổ. Từ bên Trường Quốc Quang chúng tràn sang như thác lũ, tôi đã cho tăng cường thêm các cây M60 để ngăn chặn chúng nhưng không thành công, ngay cả một toán tử thủ của đại đội tôi trong đường cống bên kia đường cũng đã bị bọn chúng tấn công khiến 2 bị thương nặng và phải cho rút về. Trong khi ngồi nhìn hai thằng em bị thương nặng là Hạ sĩ 1 Nguyễn Văn Thương và Binh nhất Nguyễn Hoàng Vân đang hấp hối, tôi vẫn theo dõi tình hình qua máy truyền tin, đại đội 1 đã phải bỏ Ty Chiêu Hồi và rút về bên kia đường, một số anh em hy sinh xác vẫn còn nằm tại chỗ, Trung uý Hiếu đã mấy lần xua quân tràn sang nhưng đều thất bại. Cuối cùng chính ông với cây M16 trên tay cùng hai âm thoại viên và vài anh em khác quyết tràn sang, nhưng ông đã hy sinh khi mới nhào xuống lề đường. Tin ông ngã gục cùng lúc với hai người lính của tôi ra đi khiến tôi bàng hoàng xửng sốt, như vậy lời bói bài của Hạ sĩ Tạ Tơ ứng nghiệm hay sao !!!

Đại Đôi 1 không còn khả năng tác chiến, không còn người chỉ huy, xác của ông cũng như của một số đồng đội không thể kéo về. Buổi chiều Th/t Dậu tiểu đoàn trưởng yêu cầu tôi mang số còn lại của đại đội 1 về với tôi, thật khó khăn Thượng sĩ Đông cùng khoảng 20 binh sĩ còn lại phải đi vòng phía sau lưng của TĐ5ND rồi đến khu Pháo Binh tại công viên Tao Phùng, tôi cho Tr/s nhất Thóc cùng vài người nữa đến đón tại đây và đưa về vị trí phòng thủ.

Đến ngày 8/6 tôi cho đại đội tấn công thẳng sang trường Quốc Quang và chiếm được ngôi trường này cùng mấy căn nhà chung quanh, tại đây chúng tôi tiêu diệt một hầm chỉ huy lớn với dây điện thoại chằng chịt, có lẽ bọn việt cộng tại khu vực này như rắn mất đầu nên giữa đêm chúng gọi nhau ơi ới để rút lui, đụng ngay vào phòng tuyến đơn vị chúng tôi đang nằm nên nhiều tên đã bị bắn hạ. Sáng sớm ngày hôm sau tôi đưa phần còn lại tấn công sang chiếm lại Ty Chiêu Hồi không gặp chống cự. Tại đây thi thể của các anh em hầu như đã bị rữa nát vì chuột bọ và thời tiết nóng mùa hè, cũng như bị đạn pháo tan nát. Trung uý Hiếu chỉ còn cái xương vai, một cái bàn chân rữa nát nằm trong chiếc giầy và hai tấm thẻ bài bị đạn dính vào nhau. Tôi nói Tr/s nhất Thóc bỏ tất cả vào một thùng đại liên 50 rồi giao cho BCH/LĐ để chôn vào khu nghĩa trang của LĐ3BĐQ.

Câu chuyện buồn chưa chấm dứt ở đây, xin mời quý anh chị đọc tiếp phần sau.

Tháng 7/72 chúng tôi rời Bình Long và hành quân liên tục không ngưng nghỉ, thỉnh thoảng chỉ vù về với gia đình năm bảy tiếng đồng hồ. Tôi cũng không dám ghé về hậu cứ vì sợ sẽ không biết phải làm gì? Phải trả lời thế nào? trước những than khóc của các quả phụ với những câu hỏi “trung uý ơi chồng tôi chết mà sao không có xác? Trung uý cho tôi lên tìm xác chồng tôi? v..v…

Khoảng tháng mười một khi đơn vị lại trở lên Bình Long, Trung sĩ Bạch hạ sĩ quan quân số ĐĐ1 có nhắn cho tôi là vợ Trung úy Hiếu muốn gặp tôi. Nhân dịp được về hai ngày tôi mạnh dạn ghé thăm và chia buồn cùng chị và gia đình, chị ngỏ ý nhờ tôi mang hài cốt ông về, và nếu có thể thu xếp cho chị lên viếng anh, tôi nói sẽ trình lại với Đ/t Liên đoàn trưởng và sẽ cho chị biết sau.

Tôi đem việc này trình lại với Đt Biết thì ông nói “ Hiếu về nói lại với chị Hiếu là tôi chia buồn cùng chị và gia đình, xin chị hãy để ông Hiếu nằm lại đây với anh em, Nghĩa Trang của LĐ3BĐQ sẽ là một di tích lịch sử của Bình Long Anh Dũng, Liên đoàn đang cho xây mộ dựng bia và chỉnh trang khu nghĩa trang này. Hiện giờ còn đang giao tranh chưa thể giúp chị lên được, khi nào tình hình tốt hơn thế nào cũng đưa chị lên thăm anh ấy”. Khi có Thượng sĩ Lương Xoa tiếp liệu ĐĐ1 lên vùng hành quân, tôi có nói ông về nói với chị Hiếu tất cả những điều mà Đ/t Biết đã nói với tôi.

Ít tháng sau chúng tôi được lệnh chuyển xuống Chơn Thành, công việc xây dựng Nghĩa Trang vẫn được tiếp tục. Nhưng ý định đưa chị lên thăm đã không thực hiện được vì vào đầu năm 1974 phần thương tiếc chồng, phần buôn bán vất vả tần tảo nuôi con nên chị đã bị bạo bệnh qua đời. Để lại 3 đứa con trai cho ông bà ngoại nuôi dưỡng.

Sau 1975 tôi đi tù hơn 7 năm, tháng 10 năm 1982 chúng thả tôi về, được tin tôi về một số anh em cùng đơn vị thỉnh thoảng hay ghé thăm trong đó có Tr/s nhất Toàn, một hôm ông nói với tôi là mấy đứa con của Tr/u Hiếu sống với ông bà ngoại và đã được ông bà ngoại cho đi vượt biên, được tin trên tôi mừng cho ông và cho các cháu, cũng xin tạ ơn Trời tạ ơn đời còn có những ông bà đã hy sinh hạnh phúc riêng mình để lo cho tương lai của con cháu.

Tưởng ít ra cũng có một kết quả tốt bù đắp cho nhưng bất hạnh.

Nhưng câu chuyện buồn cũng chưa dừng lại ở đây. Xin kính mời quý anh chị đọc tiếp phần cuối.

Cuối tháng 11/2011, khi một số anh em thiện tâm đã hoàn tất công việc chôn cất lại 61 hài cốt tử sĩ Biệt Động Quân tại An Lộc Bình Long, thì chiều ngày hôm sau tôi nhận được một cú điện thoại từ Việt Nam. Xin được viết lại nguyên văn cuộc nói chuyện như sau:

  • Bác Hiếu ơi! Con là Phú con của Trung uý Lê Văn Hiếu, chiều nay dì con đi bán hàng ở bên Hố Nai về có người đưa cho một tờ giấy danh sách những người lính Biệt Động Quân được cải táng tại Bình Long trong đó có tên ba con. Trên giấy có số điện thoại của bác, con liền gọi bác, bác cho con biết tin này có đúng không bác.
  • Đúng rồi, bác là người đã cho mang hài cốt của ba con chỉ còn ít mẩu xương cùng hai tấm thẻ bài chôn tại Nghĩa Trang của BĐQ tại Bình Long, nhưng họ giải toả gần chục năm nay, bác mới được tin và cho chôn cất lại.
  • Cách nay gần một năm, con có đi cùng một nhà ngoại cảm lên Bình Long tìm ba con. Ông có dắt con đến một ngôi chùa có giữ một số tro cốt của lính, ông chỉ cho con một hũ tro mà không có tên nói đó là tro cốt của ba con, rồi ông nói con hãy xin với sư trụ trì cho mang về. Vậy là sao thưa bác?
  • Hài cốt mới chôn lại bác chắc chắn 100% là ba con, trong đó còn có thẻ bài của ba con nữa. Cho bác hỏi ông bà còn sống không? Bác nghe nói ông bà cho ba anh em con đi vượt biên rồi mà?

Nghe tôi hỏi đến đây Phú nghẹn ngào.

  • Thưa bác chỉ có thằng em thứ hai và cậu út con xuống ghe đi được, nhưng ghe bị lạc quá lâu nên khi đến đảo thì em con còn bé quá không đủ sức nên đã chết trên đảo. Còn thằng em út con ( nói đến đây Phú nức nở) nó bị xe cán năm nó vừa mới 18 tuổi bác ơi ! Giờ nhà con chỉ còn mỗi mình con.

Rồi Phú cho tôi biết nó đã có gia đình và được hai con, hiện không còn sống chung với ông bà nữa nhưng ở gần đó. Phú cho biết ý định của nó là sang năm khoảng tháng 3 âm lịch nó sẽ cải táng mẹ nó và chôn mẹ nó và bố nó (cái hũ tro nhận tại Bình Long) chung trong một nấm mồ, nhưng bậy giờ sự việc đã khác đi, nó muốn vài ngày nữa nó sẽ lên Bình Long và yêu cầu tôi cho mang ba nó về, tôi nói với nó

  • Bác đồng ý để con mang ba con về, nhưng vì đây là ngôi mộ tập thể mới chôn xong hôm qua, trong đó có nhiều anh em khác không công giáo, nếu mình cắt tấm bê tông ra sẽ bị coi là động mồ động mả không tốt. Bác hứa với con tháng ba năm 2013 khi con lên báo cho bác biết, bác sẽ nhờ anh em ở trên đó giúp con và mọi chi phí con không phải lo. Con cứ nói với ông bà, bác tin ông bà sẽ đồng ý với bác về chuyện này.
  • Nếu bác nói vậy con sẽ hoãn cải tang mẹ con lại, nhưng con xin bác hãy để cho con được thanh toán các chi phí vì đây là nhiệm vụ của con với ba con. Bác cho con hỏi còn hũ tro cốt con mang về sẽ phải giải quyết thế nào?

Tôi nói nếu có thể được cháu cứ mang vào gởi trong nhà thờ hay chùa nào đó, họ sẽ sẵn lòng nhận thôi.

Rồi sau Tiết Thanh Minh năm 2013 tôi được Phú báo tin đã hoàn tất việc cải táng và chôn mẹ chung với bố. Anh Hiếu ơi! cuối cùng bao bất hạnh xảy đến với gia đình anh không thể tránh được, nhưng ít nhất là đứa con duy nhất còn lại của anh chị nó đã làm được công việc là mang bố mẹ nằm cạnh nhau như điều cháu hằng mơ ước.

 Còn tôi ngày xưa không đưa được chị lên thăm anh như lời ước nguyện của chị , nhưng nay cũng đã góp một phần nhỏ bé trong tình chiến hữu, để anh chị được bên nhau mãi mãi thiên thu trong vòng tay của Thiên Chúa

New Mexico ngày 01 tháng 3 năm 2021

BĐQ Đoàn Trọng Hiếu

Posted in Hồi ký chiến trường, Những mảnh đời rách nát | 3 Comments

VBTCC – Những Anh Hùng Vô Danh Đồn Dakseang

Posted in Vui Buồn Thời Chinh Chiến (youtube) | Leave a comment

VBTCC – Đại Đội 4 Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân Với Bình Long Anh Dũng P1&P2

Posted in Vui Buồn Thời Chinh Chiến (youtube) | Leave a comment

VBTCC – Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân

Posted in Vui Buồn Thời Chinh Chiến (youtube) | Leave a comment

VBTCC – SẮC HOA THỜI LOẠN. Tác giả Đông Hương

Posted in Vui Buồn Thời Chinh Chiến (youtube) | Leave a comment

VBTCC-TẤM THẺ BÀI

Posted in Vui Buồn Thời Chinh Chiến (youtube) | Leave a comment

VBTCC – Cây Mai Rừng Của Người Lính Trận – Cha Và Quê Hương

Posted in Vui Buồn Thời Chinh Chiến (youtube) | Leave a comment

VBTCC – Người Lính Chết Trẻ

Posted in Vui Buồn Thời Chinh Chiến (youtube) | Leave a comment

VBTCC – Sao Hôm Sao Mai

Posted in Vui Buồn Thời Chinh Chiến (youtube) | Leave a comment