Tô văn Cấp – Ông Thầy


Tiễn Anh

Kính thưa Anh Sáu BĐQ/K8 Nguyễn Văn Đại.
Lại một tin chia tay bất ngờ.
Anh ra đi khiến gia đình, thân nhân, bạn bè sững sờ.
Nghe BĐQ Vương Mộng Long thông báo
Em bàng hoàng, giật mình:
“Anh đi thật rồi sao!”
Dường như hôm kia anh còn gọi điện thoại cho em,
“Philato khỏe không?”
Và hôm qua, em gửi tặng lại anh ly café,
“Ly cafe đắng”,
Anh thường nói thế, mỗi khi nhận được bài viết của em.
Em đang chờ, chờ tiếng anh khen.
Nhưng không phải tiếng của Anh
Mà là tiếng của Vương Mộng Long
Báo tin anh vừa mất!
Buồn làm sao!
“Sinh ký tử quy!”
Anh về với những người thân yêu đã đi trước,
Anh về với đồng đội đã hy sinh bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam,
Anh thanh thản về cõi Vĩnh Hằng,
Không còn súng đạn đua tranh.
Nhưng cái danh “Anh Sáu Đại” vẫn mãi mãi ở lại với chúng em:
Hai thằng em, BĐQ Vương Mộng Long và TQLC Tô Văn Cấp.
Gương chiến đấu, phong cách sống của anh, như
cây tùng trước bão.
Có người anh như thế thì những thằng em không thể nào cúi đầu,
Mà phải ngước cao, nhìn thẳng, dẫu phía trước là mặt trăng,
mặt trời…
Anh Sáu ơi! Giờ này anh đang tung bay lướt gió với trăng sao.
Mất anh rồi, người thân ở lại buồn, chúng em thấy nao nao…
Sống khỏe như anh, thác nhanh như anh, là điều hạnh phúc.
Anh ơi!
“Sống chỉ là gửi, mà thác mới là về!”
Cầu xin Thượng Đế sớm bổ nhiệm Anh Sáu Đại làm Tể Tướng
Vĩnh biệt Anh của chúng em.

USA, ngày 15/12/2012
Hai thằng em TQLC Tô V. Cấp 19 và BĐQ Vương M. Long 20.

***

Khi anh Sáu BĐQ Nguyễn Văn Đại về trình diện Thượng Đế trên chuyến xe “sáu tấm” để nhận chức Tể Tướng thì BĐQ Chủ Bút Đỗ Mạnh Trường ‘tele’ cho tôi yêu cầu viết một bài về anh Sáu, “phải mới toanh cơ”.

Lạ nhẩy! Mỗi khi tôi xin gửi đăng một bải trên TS/BĐQ thì từ Chủ Nhiệm cho tới Chủ Bút ngần ngừ rồi ra điều kiện: “Phải mới toanh, origin cơ”! Chưa kể ông Đỉnh Đầu Bạc đòi phải nạp “nhuận bút” 30 tì thì mới được đăng.

Điều kiện của anh ĐĐB… thì dễ thôi, nạp 30 tì mà có một TSBĐQ cầm trong tay thì sướng rên, độc giả khắp thiên hạ đều làm như thế cả, nào đâu phải riêng một mình tôi. Nhưng cái khoản Chubut đòi mới tinh thì tìm đâu ra?

Tôi nói thầm: “Bố khỉ, thời điện tử mà lại đòi origin thì hơi khó? Đánh vật với cái mặt vuông cả tháng, ngày cũng như đêm, mệt lử cò bợ, vừa có được một cháu là tôi đem đi khoe nhắng cả lên. Thực ra cháu thuộc loại răng đen mã tấu, chân đi vòng kiềng nhưng thằng bố cứ tưởng bở!” Khi nghe Chubut đòi một bài còn mới tinh về Anh Sáu là tôi khựng liền.

Tuy Anh Sáu, tôi và Vương Mộng Long là 3 anh em kết nghĩa, nhưng tôi mới chỉ gặp Anh Sáu một lần duy nhất trong vài phút nhân dịp anh về dự đại hội BĐQ năm 2010. Nên tôi cầu cứu với Vương Mộng Long, vì anh Sáu ở Oregon, Long ở WA, rất gần nhau và đã quen nhau lâu lắm rồi, hy vọng BĐQ Long đỡ… đần tôi. Nào ngờ Long bảo:

– “Hô hô! Anh Sáu và tôi biết nhau từ năm 1966, nhưng đã gặp mặt nhau lần nào đâu? Nghe tin anh Đại ngã bệnh, tôi vừa thư thăm anh ấy xong thì nghe tin anh mất. Tôi báo cho anh Cấp biết. Anh Cấp gửi cho tôi bài thơ tống biệt đúng một ngày trước khi tôi nhận tin thông báo tang lễ của gia đình anh Đại. Vì vậy tôi quyết định đem bài này xuống Nhà Vĩnh Biệt, đọc cho anh Sáu của chúng tôi nghe trước giờ động quan”

Chuyện cứ như hoang đường, anh em quen biết nhau 46 năm, nhưng chưa bao giờ có dịp gặp nhau, và khi gặp nhau thì lần đầu cũng là lần cuối…

Chuyện lạ đấy, vì sao thì để Vương Mộng Long trả lời. Vương Mộng Long viết rằng:…..

*** NT Nguyễn văn Đại tại Đại Hội BĐQ làn thứ 50, 2010 tại Quận Cam, California.

Giao tình của Biệt Động Quân Vương Mộng Long với anh Sáu Đại bắt nguồn từ năm 1966…

Ngày đó, trong vụ “Phật Giáo Miền Trung” tháng 5 năm 1966, ông Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân đã bỏ đơn vị, bỏ thuộc cấp của mình, bỏ cả sư phụ của ông ta là Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, rồi lẻn vào phi trường theo ông Nguyễn Cao Kỳ. Ông Kỳ đã cho ông lên thiếu tá.

Tôi từ tư dinh của Tướng Vùng I Tôn Thất Đính trở về sân vận động Đà Nẵng thấy tiểu đoàn như rắn không đầu, bơ vơ. Tôi gọi điện thoại hỏi Tướng Đính rằng:

– Bây giờ tôi phải làm gì?

Th/Tá Tôn Thất Trai, Chánh VP của Tướng Đính chuyển lệnh cho tôi:

– ”Trung Tướng đang tỵ nạn trong Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ bên Sơn Trà. Ổng ra lệnh cho anh đem quân về phòng thủ Chùa Phổ Đà”.

Chùa Phổ Đà, đêm khuya, ông TĐT/TĐ11/BĐQ xuất hiện, kêu gọi anh em toàn đơn vị bỏ chùa, di chuyển vào phi trường để đầu hàng quân chính phủ.

Đêm ấy, giữa phố Chu Văn An, dưới ánh đèn đường, trước mắt tôi, một vị đương nhiệm tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân, đã bị những người lính dưới quyền mình dí súng vào đầu:

“Ông cút đi! Đồ phản phúc!”

Chỉ vì, mới ngày đầu tháng Tư 1966, ông hô hào thuộc cấp: “Ý dân là ý trời! Chúng ta theo dân chống chính phủ là ý trời.”

Tới đầu tháng Năm, ông đã đổi lời:

“Kỷ luật là sức mạnh cùa quân đội. Chúng ta là quân nhân, chúng ta phải tuân lệnh Thủ Tướng. Tôi đề nghị các anh vào phi trường đầu hàng chính phủ.”

Thấy những họng súng Carbine M2 đen ngòm đang chĩa vào đầu mình, người chỉ huy của đơn vị mới nhận ra rằng, ông ta đã đánh mất lòng tin của thuộc cấp. Ông tân thiếu tá đành cúi đầu, lầm lũi ra đi. Cũng từ đêm đó, cho tới ngày chinh chiến tàn, ông không dám, dù chỉ một lần, về thăm lại TĐ11/BĐQ.

Ông TĐT đi rồi, tôi và những thuộc cấp của ông tiếp tục, “Làm theo ý dân…”

Ngày 15 tháng Năm năm 1966, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trở mặt, tấn công Chùa Phổ Đà bằng chiến xa M 41. Chính tay tôi đã nạp đạn cho Hạ Sĩ Tính, xạ thủ SKZ 57 ly bắn đứt xích một chiếc chiến xa Hoa Kỳ.

Tôi cũng ra lệnh bắn mấy quả cối 81 ly vào khu đậu máy bay của quân đội Mỹ trong phi trường Đả Nẵng, làm điều kiện bắt quân Hoa Kỳ ngưng tác xạ. Tiếp đó, hai chiếc Jeep xuất hiện trên đường Nguyễn Duy Dương, lao về hướng Phổ Đà. Tôi vỗ lên nón sắt của xạ thủ: “Bắn!” Chiếc xe đầu lật nghiêng bên đường phố, hai người đội mũ nâu từ trong xe chui ra, phóng nhanh vào trong hẻm.

Về sau tôi mới rõ, hai ông Biệt Động Quân xém chết ngày hôm đó là ông Trung Tá Trần Văn Hai, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Trung Ương cùng với người tài xế của ông! Chuyện “Phật Giáo Miền Trung “ của tôi kết thúc với màn đầu là 30 ngày tù trong Quân Lao Mang Cá, Huế.

Ngày ra khỏi Quân Lao về tới Pleiku (Tháng Mười 1966) tôi được ông Trung Tá Nguyễn Đức Ninh, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 2 Biệt Động Quân giới thiệu qua điện thoại, với người bạn thân của ông ta là Biệt Động Quân Nguyễn Văn Đại.

Ông Ninh đưa điện thoại cho tôi nói chuyện với ông Đại. Chúng tôi trao đổi những mẩu chuyện liên quan tới quê hương, bản quán, và gia đình. Ông Đại cho tôi biết ngày tôi bắn lộn mèo cái xe của ông Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Trung Ương thì ông Đại cũng có mặt trong phi trường Đà Nẵng.

Ông Đại hỏi tôi có muốn về làm việc ở BCH Trung Ương thì cho ông biết, ông sẽ trình với CHT Trần Văn Hai (vừa thăng đại tá). Tôi từ chối.

Rồi chuyện “Phật Giáo Miền Trung “của tôi kết thúc màn hai, với 60 ngày nhốt trong Quân Lao Nha Trang cùng cái lon trung sĩ mới toanh trên vai người lính trẻ. Cái lon thiếu úy hiện dịch của tôi đã bị Hội Đồng Kỷ Luật của Đại Tá Cách bóc đi mất, nguyên nhân cũng chỉ vì “Ý dân là ý trời!” Tôi đã đeo lon trung sĩ và hưởng lương trung sĩ hiện dịch gần nửa năm trời.

Tôi không biết việc phục hồi cấp thiếu úy của tôi năm 1967 có sự nhúng tay vào của ông Đại và ông Ninh hay không, nhưng giữa năm 1968 thì ông Thiếu Tá Bùi Văn Sâm, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân gọi tôi lên văn phòng trình diện,

– Ông Đại muốn rút ông về Cảnh Sát Dã Chiến, ông có muốn đi không?

Tôi lắc đầu. Ông Sâm chỉ cái máy điện thoại viễn liên,

– Vậy thì trả lời ông ấy đi!

Vương Mộng Long và Nguyễn Văn Đại lại chuyện trò thắm thiết thêm lần nữa, cũng chỉ qua điện thoại.

Ông kể tên một số sĩ quan xuất thân từ TĐ11/BĐQ như Tôn Thất Trực, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Lẹ đã về Cảnh Sát Dã Chiến từ thời Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan. Ông đề nghị tôi đi theo những vị này. Tôi đã dứt khoát từ chối. Cho tới cuối năm 1974, từ Dục Mỹ, ông Đại lại gọi,

– Ông Hai rủ anh về Sư Đoàn, chú có bỏ BĐQ mà theo anh không?

Tôi cười,

– Ông có điên thì đi một mình, đừng rủ tôi theo làm gì.

Dòng đời trôi vèo vèo… Mất nước, tù đày, rồi rời bỏ quê hương…

Có một hôm, cách đây sáu, bẩy năm, một người bạn cùng khóa gọi cho tôi và báo rằng,

– Niên trưởng Khóa 8 Nguyễn Văn Đại muốn nói chuyện với Long, nếu Long OK thì mình cho ông ấy số điện thoại của Long.

Chợt nhớ tới người xưa, tôi OK. Tiếng nói của ông vẫn oang oang như thời còn trẻ, đầy nhiệt tình.

Từ đó, tuần nào tôi và ông Đại cũng gọi nhau ít nhất một lần. Ông tâm sự với tôi rất nhiều lần về tình thân giữa ông và Tướng Trần Văn Hai. Ông lúc nào cũng tự hào rằng cuộc đời ông chưa bao giờ mang tiếng lăng nhăng và tham nhũng. Ông kể cho tôi nghe kỷ niệm những ngày đầu quân ngũ, những điều tốt xấu của những vị có quyền ngày xưa. Tôi đã nghe bạn bè kể nhiều chuyện về Biệt Động Quân Nguyễn Văn Đại.

Đời lính của ông không được tô điểm bằng những chiến công hiển hách, nhưng được tiếng là tận tụy, trong sạch và rất trực tính. Chính cái trực tính của ông làm cho tôi thương mến ông như một người anh. Rồi có một hôm, ông Biệt Động Quân già hỏi tôi,

– Chú có quen biết anh chàng Philato không?

Tôi phì cười,

– Tôi với “ông nội” này đâu có lạ gì nhau!

– Thế thì ba thằng mình kết nghĩa anh em nhé! Anh có cảm tình với hai chú lắm. Mà mở lời chỉ sợ hai chú chê anh là “dân ngu” thôi!

Những lúc chuyện trò, bằng email hay bằng điện thoại, ông Đại thường tự xưng là “Dân Ngu”. Tôi thì chưa bao giờ dám gọi ông bằng danh xưng ấy cả.

Chúng tôi ba mạng kết làm anh em: Anh Sáu Đại là anh cả, tiếp theo là anh Cấp, tôi làm em út.

Tôi với anh Cấp lâu lâu gặp mặt một lần trong những dịp tôi về Nam họp khóa hay thăm bạn bè. Còn Anh Sáu thì có cả gần chục lần tôi hẹn, rồi không gặp được. Có lần vì tôi bận, có lần tôi lái xe tới Oregon mới biết anh vắng nhà. Chúng tôi kết nghiã anh em mà như thể là kết nghiã đệ huynh ở trên mây. Tháng trước, anh Sáu báo cho tôi biết anh sẽ đi Tây chơi ít lâu, hôm nào về sẽ liên lạc lại. Rồi ngày 23 tháng 11 năm 2012 tôi nhận được e mail của anh viết:

“Vương Lão đệ thân mến;

Tôi đã trở về OR hơn 1 tuần lễ, nhưng sau khi vào bệnh viện Mayo, khám & thử nghiệm,lá phổi bên trái của tôi có nước, BS rút ra 800 cc nước,và  từ  gần 2 tuần nay  vẫn tiếp tục khám nghiệm, (chưa tìm ra nguyên do có nước trong phổi) nên nói rất yếu, nên chưa thể gọi thăm chú cùng CVANTO nhà mình, khi biết rõ kết quả, sẽ đ/t hoặc gửi EMAIL kể chuyện trong chuyến đi; Mến chúc Chú Thím và gia đình yên vui.”

Chờ mãi không thấy anh Đại gọi, tôi gửi tiếp một cái email khác, hỏi xem anh đã khỏe chưa. Hai ngày sau, tôi nghe tin anh mất.

Sáng 17 tháng 12 năm 2012 tôi đã lái xe một mình, vượt hơn 250 dặm đường trong một ngày gió mưa, và tuyết đổ mịt mù để về Oregon tiễn anh.

Tôi đã đọc cho anh nghe bài tống biệt “Tiễn Anh” do anh Tô Văn Cấp viết. Tôi đã nhìn thấy mặt anh lần đầu, và cũng là lần cuối cùng, trước giờ anh đi vào chốn hư vô. Phải chăng Nguyễn Văn Đại, Tô Văn Cấp và Vương Mộng Long chỉ là anh em kết nghĩa ở trên mây? Và trên thế gian này, có lẽ chuyện huynh đệ của ba anh em chúng tôi là kỳ lạ nhất?”

(Vương Mộng Long).

***

Long viết xong rồi, còn tôi? Viết gì về Anh Sáu đây? Nếu viết ngắn gọn thì tôi chỉ cần viết 2 chữ “Ông Thầy” Đại là đầy đủ ý nghĩa. Chữ “thầy” đứng trước mọi chức tước và cấp bậc. Nếu viết dài cho độc giả TS/BĐQ nghe chuyện buồn vui của anh em tôi thì dài lắm. Cả hai trường hợp này thì Chủ Bút Đỗ Mạnh Trường đều không chịu, tôi cầu cứu Anh Sáu, trong gấc mơ anh bảo tôi:

– “Chú viết ngắn gọn vui vui là được rồi, anh có cái gì đâu mà viết về anh”

– Ok, nhận Anh Sáu 5/5. Sống thọ như anh, sống khỏe như anh, sống ngẩng cao đầu, nhìn thẳng như anh, thác nhanh như anh là vui rồi, hạnh phúc cho mọi người là đấy. Còn ôm bình dưỡng khí, sống đời thực vật chỉ làm cho đời thêm vất vả, vất vả mọi người.

Tôi được anh Sáu Đại ngó đến là nhờ TS/BĐQ đưa đường, ông Hoài Cát, ông Tiễn San dẫn lối, các ông ấy bảo ĐT Đại muốn nói chuyện “với mày”. Vui nhỉ, một lóc-nhóc TQLC mà được anh Sáu BĐQ hỏi chuỵên thì vui kể gì trong khi ông sáu của tôi thì phạt “vanto” hết 15 ngày này sang 15 ngày khác chỉ vì cái tội vớ vẩn, dám lái xe không có tài xế lại còn bóp, bóp còi qua mặt làm ông và bồ ông hít khói.

Có lẽ anh Sáu Đại thương tôi vì cái lận đận đường binh nghiệp, trên ngực chẳng có chi ngoài 5 sao đỏ. Cũng có thể anh thương tôi vì cả hai chúng tôi cùng tắm một dòng sông. Quê anh quê tôi là hàng xóm nhưng không biết nhau cho tới ngày anh đọc những bài tôi đăng trên TS/BĐQ (cám ơn TS/BĐQ).

Từ ngày đó, anh thường gọi điện thoại cho tôi kể chuyyện buồn vui đời lính, chuyện “quê hương chúng ta cái mùng lại kêu cái màn, bên bờ sông bên bờ ao chúng ta trồng rau muống”. Chưa bao giờ gặp nhau, nhưng qua “thanh tướng” và những chuyện đời thường, giữa anh và tôi có những sự trùng hợp nên mau thân.

Nhiều đấng tu mi có tài nhìn qua là biết ruồi đực, cái. Tôi thì chịu thua, sờ vào cũng chưa chắc đã biết, nhưng nghe anh em kể chuyện đơn vị cũ chiến trường xưa là biết ngay anh nào dùng nhiều C4, TNT, những loại chất nổ mạnh mà chỉ Công Binh mới có, anh Sáu thì không nổ. Tôi mến phục anh ở chỗ đó. Anh dặn tôi khi nào có bài gì mới thì gửi cho anh chứ chờ TS/BĐQ thì lâu quá. Được anh cho uống nước đường thế là tôi gửi lại anh những ly cafe đắng.

Thời gian cứ trôi, tình anh em kết nghĩa chúng tôi càng thêm ấm áp, nhưng chưa bao giờ gặp nhau cho đến đại hội BĐQ 2010, anh từ Oregon về dự. Chúng tôi nhìn nhau, bắt tay nhau hỏi thăm nhau trong không khí nồn áo náo nhiệt rồi lại chia tay biền biệt. Tháng 7/2012 tôi đi dự đại hội TQLC tại OR thì anh lại đi du lịch!

Nay anh đã đi du lịch trên Thiên Quốc, còn tôi thì chưa muốn. Anh rũ sạch nợ đời tuổi 81 thì ít ra, tôi còn trả nợ đời 10, 20 năm nữa mới tái ngộ cùng anh.

Còn “cái ông nội” BĐQ Vương Mộng Long và TQLC tôi suýt chút nữa hạ nhau bằng súng đạn trong tai nạn “bàn thờ xuống đường” tháng 5/1966 tại Đà Nẵng và Huế. TĐ1 và TĐ2/TQLC có nhiệm vụ vãn hồi trật tự, đại đội tôi nặng về an ninh trật tự, dẹp biểu tình, khiêng bàn thờ ra khỏi lòng đường, nhẹ về chiến đấu nên rất may là không đến chùa Phổ Đà nơi VML cố thủ. Ngày đó VML và tôi không hề biết nhau, nếu mà chạm mặt nhau, nói chuyện bằng súng đạn thì chưa chắc còn đủ cặp để cho tới gần nửa thế kỷ sau, nơi đất khách quê người, vất vưởng kiếp tỵ nạn mới biết nhau mến nhau qua anh Sáu Đại và các bài viết.

Tình huynh đệ kết nghĩa cùa ba anh em chúng tôi chỉ đơn giản có thế mà không do chén trà ly rượu, “chén tạc chén thù”.

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.

Leave a comment